Die Stellungnahme von GePGeMi zum Werbespot von Hornbach wurde ins Koreanische und Vietnamesische übersetzt. Im Folgenden ist der gesamte Text der vietnamesischen Version und am Ende der vietnamesischen Version findet sich der Link zur koreanischen Version.
Hình ảnh phụ nữ Châu Á trong quảng cáo của Hornbach
Trong một quảng cáo của Hornbach trên YouTube có hình ảnh hai người đàn ông da trắng, đứng tuổi, mồ hôi đầm đìa. Sau một ngày làm vườn nặng nhọc họ trút quần áo và cả nội y của mình. Những thứ này được đóng gói rồi được bán trong một máy tự động ở một thành phố công nghiệp phủ một màu xám. Một phụ nữ Châu Á đến và mua gói đồ. Cô ấy mở gói ra, hít một hơi thật sâu. Đôi mắt mơ màng như đang được thỏa mãn…
Đây là sự hài hước [Humor], phân biệt chủng tộc [Rassismus], hay đơn giản là một quảng cáo mang tính kỳ thị giới tính [Sexismus]? Đó là sự tổng hợp của tất cả những yếu tố trên. Một số phụ nữ, phần lớn đến từ Hàn Quốc, đã chủ động viết đơn khiếu nại trực tuyến yêu cầu gỡ bỏ đoạn quảng cáo này. Đáp lại đơn khiếu nại, hãng Hornbach trả lời rằng họ đã xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và gợi ý tổ chức một cuộc đối thoại với những bên liên quan để thảo luận về nội dung đằng sau đoạn quảng cáo cũng như để hiểu thêm về những xâm phạm mà nó đã gây ra.
Đoạn Video – một trò đùa?
Tại sao Hornbach không gỡ đoạn quảng cáo khỏi YouTube, trong khi công ty này tuyên bố nói „không“ với mọi hình thức phân biệt đối xử hay phân biệt chủng tộc? Sự mâu thuẫn giữa hành động và lời nói này cho thấy Hornbach nhận thức và đánh giá sự việc như một „sự hiểu lầm“ [từ phía khán giả Châu Á]. Vậy phải chăng, những phụ nữ Châu Á này không có khả năng hiểu được sự hài hước của một đoạn phim, trong đó là sự tương phản giữa một khu vườn trong lành và một thành phố ô nhiễm? Đề tài của đoạn phim này chỉ hướng về mùa xuân và hương vị của nó?
Nếu phản ứng của Hornbach chỉ xoay quanh cái nhìn từ phía công ty này, thì ý định về một cuộc đối thoại trực tiếp không thể nghiêm túc được.
- Phân biệt chủng tộc: là một người nam giới, xuất thân là người Đức bản địa hoặc da trắng, chúng ta cần ý thức được rằng, một trò đùa về những người không cùng xuất xứ hoặc màu da không thể gọi là hài hước được! Những ai dùng những đặc điểm bên ngoài [của người khác] để tạo nên một trò đùa, thì chính họ là những người đáng bị chê cười. Nếu những người khác không thể cười theo nổi, thì nó không còn là trò đùa nữa, mà là một sự kỳ thị [Diskriminierung].
- Kỳ thị giới tính: là nam giới chúng ta cần ý thức được rằng, trên thực tế còn tồn tại nhiều sự bất bình đẳng mà qua đó phụ nữ bị đối xử bất công, bị xâm phạm hoặc thậm trí bị bạo hành – chỉ vì họ là phụ nữ. Nếu một phụ nữ nói, cô ấy muốn người nam giới đối xử với mình theo một cách khác, nhưng anh ta coi đề nghị đó như một „sự hiểu lầm“ và không sẵn lòng thay đổi cách cư xử của mình, thì người nam đó đang cố chấp dùng „luật của kẻ mạnh“.
Sự nhận thức [Die Wahrnehmung]
Có một thực tế là người Châu Á ở Đức thường bị xâm phạm vì ngoại hình của họ [bằng nhiều cách khác nhau]. Thêm vào đó, những phụ nữ Châu Á còn có thể bị xâm phạm tình dục. Tất nhiên không phải số đông người Đức kỳ thị hoặc xâm phạm người nhập cư gốc Châu Á. Nhưng đoạn quảng cáo cũng như cách ứng xử [của công ty Hornbach] trước sự phẫn nộ [của khán giả], đã phản ánh [phần nào] bức tranh về người Châu Á phổ biến trong nhận thức của xã hội nơi đây. Những người Châu Á thường được coi là thân thiện, rụt rè và kín đáo. Sự kỳ thị hay phân biệt đối xử với cộng đồng này đã không được [xã hội] nhìn nhận. Trong hoàn cảnh nhận thức như vậy thì mọi sự phản kháng là bất khả thi [hay nói cách khác là thừa thãi]. Có lẽ nào sự phẫn nộ với đoạn quảng cáo trên chỉ xuất phát từ sự hiểu lầm? Một sự hiểu lầm [theo suy nghĩ của Hornbach] có thể được giải quyết nhanh chóng khi
người ta giải thích với cộng đồng người Châu Á rằng: „chúng tôi không phải là những người phân biệt chủng tộc“. Có lẽ nào lời buộc tội kỳ thị giới tính là quá ngớ ngẩn, đến nỗi nó không cần thiết phải đề cập đến? Với một thái độ như vậy thì làm sao một cuộc đối thoại bình đẳng có thể diễn ra?
Đối tượng [die Zielgruppe]
Hornbach muốn hướng tới đối tượng khách hàng nào? Một phần không nhỏ trong tổng thu nhập hàng năm của những công ty cung cấp vật liệu xây dựng như Hornbach đến từ việc bán các sản phẩm làm vườn khi mùa xuân đến. Trong đoạn phim quảng cáo trên, đối tượng khách hàng rõ ràng không phải là những phụ nữ Châu Á, mà là những người đàn ông „Đức“ trên 50 tuổi. Những người có đủ thời gian và tiền bạc để chăm sóc cho mảnh vườn của họ. Phần lớn những người đàn ông trên 50 tuổi này biết rằng, họ không còn hấp dẫn như những người ở độ tuổi 20 hoặc 30. Nhưng có thể họ vẫn còn cơ hội chinh phục được một cô gái trẻ Châu Á ở một thành phố xám màu lông chuột nào đó bằng „mùi đàn ông“ của mình. Sự khiêu gợi được đem ra làm lợi, dù đó là trong khu bán dụng cụ làm vườn của Hornbach hay trong một cái túi từ máy tự động cạnh một quán ăn vỉa hè.
Chúng ta, những người Đức, sẽ nói gì khi …?
Là một người đàn ông Đức, tôi tự hỏi, sẽ như thế nào nếu trên truyền hình một nước Châu Á nào đó có hình ảnh một người phụ nữ Đức đang „xông hơi“ đồ lót của một người đàn ông Châu Á? Thêm vào đó là hàng chữ „mùi của công nghệ“! Nếu tôi là một người phụ nữ da trắng, tôi sẽ nghĩ gì khi xem một đoạn quảng cáo, trong đó người ta ngầm ám chỉ rằng, phụ nữ có màu da như tôi muốn lên giường với bất cứ một ai, chỉ vì anh ta là đàn ông và là người Châu Á?
Sự hiểu lầm
Tôi cho rằng những tác giả của đoạn quảng cáo trên biết rõ việc mà họ đang làm. Người đại diện của Hornbach, Florian Preuß, tiết lộ rằng sự phẫn nộ về đoạn phim quảng cáo nằm ngoài mục đích và chủ định của công ty. Đối với một cộng đồng người nhập cư khác, tôi khẳng định Hornbach sẽ không cho phép sự khiêu khích này xảy ra. Giả sử, đoạn quảng cáo trên sử dụng diễn viên người Ả Rập hoặc người Phi, thì ý tưởng đó chắc đã bị dập tắt ngay từ đầu. Nhưng vì bức tranh về người Châu Á trong xã hội Đức [là thân thiện, rụt rè và kín đáo] nên tôi dám hoài nghi rằng, Hornbach đã không tính đến sự phản đối từ cộng đồng người Châu Á. [Trên thực tế] đoạn quảng cáo này đã tạo nên một làn sóng vang dội đến tận các nước Á Châu. Điều này rõ ràng vượt quá sức tưởng tượng của Hornbach.
Ai có quyền nói rằng đây là „sự hiểu lầm“? Nếu lập luận rằng, những người bị xâm phạm đang hiểu lầm [đoạn quảng cáo không xâm phạm ai mà là một cử chỉ thể hiện thiện trí], thì lập luận này là một sự bao biện. Phải chăng chỉ có những người đang cảm thấy bị xâm phạm, [sau khi đối thoại để làm rõ vấn đề], mới có quyền nói về sự họ có hiểu lầm hay không?
Một cuộc đối thoại
Đoạn quảng cáo đang truyền bá một hình ảnh lố bịch, trong đó người Châu Á vui vẻ hấp thụ những cặn bã mà „chủng tộc“ da trắng đào thải. Thêm vào đó, phản ứng [của Hornbach] trước những ý kiến phê bình đã thể hiện rõ một quan điểm: „chúng tôi, những người Đức, luôn đúng, nhưng những người khác đơn giản là không muốn hiểu điều đó“. Quan điểm này thuộc về những người tin rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và kỳ thị giới tính chỉ là một tư tưởng, không phải là một hành động bạo lực. Một khi cái gọi là tư tưởng này còn được lan truyền rộng rãi qua phương tiện truyền thông như YouTube thì không thể có một cuộc đối thoại bình đẳng diễn ra. Hay là các bạn muốn đối thoại với một người, khi người đó liên tục xâm phạm quyền bình đẳng của bạn bằng sự kỳ thị sắc tộc và giới tính?
Askold Hitzler, thành viên ban chấp hành hội GePGeMi e.V.
Biên dịch
C. Vu, cộng tác viên hội GePGeMi e.V.
Koreanische Version: http://leutekorea.com/column/2019/04/05/880/